Kinh nghiệm tìm nhà off-campus ở New York

22-08-2013 | 9941 lượt xem
Không có chuyện đặt nhà trước vài tháng từ Việt Nam....Nếu họ đồng ý cho bạn thuê nhà rồi yêu cầu chuyển tiền cọc thì khả năng giả mạo rất cao.
Được sống, học tập, và làm việc ở thành phố New York sẽ là một trải nghiệm rất thú vị và tuyệt vời cho các bạn du học sinh Việt Nam. Tuy nhiên, để ổn định nơi ăn chốn ở tại thành phố này cũng gây không ít mệt mỏi về mặt thời gian và công sức, nhất là đối với nhà ngoài ký túc xá (Off-campus).

Trong bài này, mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm tìm nhà của riêng mình. Vì có rất nhiều vấn đề liên quan đến nhà cửa, chẳng hạn như tiêu chí tìm nhà của mỗi cá nhân khác nhau tùy vào túi tiền, nhu cầu và các khoản ưu tiên khác nhau, cộng thêm mỗi khu vực (neighborhood) lại khác nhau khá nhiều, nên mình chỉ có thể cung cấp cho các bạn những thông tin mà mình cho là cơ bản và quan trọng nhất trong phạm vi bài viết này với hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn trong công cuộc săn lùng nhà bên ngoài trường tại NYC.

Trong quá trình sống ở đây 2 năm, mình đã có 3 lần chuyển nhà, ở 3 khu vực dân cư khác nhau, nhưng tất cả đều ở Queens. Vì thế, mình sẽ bắt đầu từ những thông tin chung và cơ bản cần lưu ý khi tìm nhà ở New York.

New York City bao gồm 5 boroughs là Manhattan, Queens, Brooklyn, The Bronx, và Staten Island. Đa số các trường học đều nằm tại Manhattan (chẳng hạn như NYU-downtown, Columbia University-Uptown, Hunter College-midtown, Baruch College-downtown, v.v), tại Brooklyn thì có NYU-Poly. Giá cả nhà ở từng khu vì thế cũng rất khác nhau. Tùy thuộc vào địa điểm trường học các đường tàu điện ngầm chạy ngang trường mà các bạn xác định và khoanh vùng tìm nhà ở các khu vực nhất định để tiện cho việc đi lại. Tìm nhà bên ngoài thường sẽ mất 1 tháng.
 
1. Ưu tiên hàng đầu khi tìm nhà là phải gần trạm tàu điện ngầm và ở khu an toàn. Gần tức là đi bộ từ nhà ra trạm trong vòng 3-10 phút là ổn. Khi tìm nhà trên các trang web, chẳng hạn như trên craigslist,(www.craigslist.org là một website đăng các mục tìm kiếm hữu ích),  các bạn chú ý click vào google map (thường có trong quảng cáo luôn) để xem vị trí nhà cách trạm tàu bao xa. Ở NYC họ sẽ tính  theo khối nhà (blocks), nên nếu thấy ghi là 2-6 blocks from subway thì chấp nhận được. Chú ý là blocks tính theo đại lộ (Avenue) thì sẽ dài hơn blocks tính theo phố (Street). Khu an toàn là một khái niệm khá rộng, vì trong từng vùng các khu cũng khác nhau rất nhiều. Mình sẽ viết một bài riêng về các khu vực và giá nhà theo khu mà mình biết, tập trung chủ yếu ở Queens.
 
2. Không nên chọn nhà xa trạm subway (xa tức là phải đi bộ 20 phút) hoặc phải đi bus ra subway. Trong cả 2 trường hợp này, các bạn sẽ thấy rõ sự bất tiện vào mùa đông, khi mà các bạn phải cuốc bộ trong trời gió rét căm căm và tuyết phủ mù mịt, hoặc đứng run rẩy chờ xe bus. Khác với MTA-subway, bus không chạy thường xuyên, phải chờ lâu khoảng từ 15-30 phút tùy thời điểm trong ngày,  mất thời gian, đi chậm, bất tiện lại có vẻ không an toàn (cảm giác chủ quan của mình thôi, vì để đón bus bạn phải đứng ngoài đường chờ). Nhưng nếu bus từ nhà lên thẳng tới trường thì có khi không sao.
 
3. Tìm hiểu đường tàu MTA: Các bạn nên lên web subway của NYC http://www.mta.info download cái bản đồ tàu điện ngầm, nghiên cứu các đường tàu, xem đường tàu nào chạy qua trường, xem có bao nhiêu lựa chọn đổi tàu và đổi thế nào để đến trường. Thật ra ở NYC đi lại bằng tàu là chủ yếu, nên chỉ cần nhà gần tàu, mình đến trạm đón tàu rồi sau đó chuyển tàu (1 lần) cũng chẳng vất vả gì.  Tránh chọn ở nhà phải chuyển tàu 2 lần, rất cực và mất thời gian. Coi trước cái bản đồ sẽ giúp mình hình dung mọi thứ tốt hơn. Sau này khi đọc quảng cáo nhà, nhìn vị trí nhà và đường tàu là các bạn nhanh chóng biết ngay là đi lại và đổi tàu có được không.
Đối với thuê nhà bên ngoài trường, 30-45 phút đến trường (tính cả thời gian đi bộ và chuyển tàu) là hết sức bình thường và chấp nhận được. Chỉ  lưu ý 1 điều là nhiều đường tàu đến cuối tuần sẽ ngưng hoạt động, hoặc thay đổi lịch trình, làm cho việc di chuyển cuối tuần hơi bất tiện. Một số tàu cũng thay đổi lịch trình vào một số giờ nhất định nào đó trong tuần (do sửa chữa/nâng cấp đường tàu) và mình phải đi bus thay vì đi tàu, rất là bất tiện và mất thời gian. Theo kinh nghiệm của mình, tránh:

- Nhà chỉ có  đường tàu G (màu xanh lá cây) vì tàu này không tin cậy lắm. Nhiều khi đến cuối tuần nó đổi lịch trình không chạy hoặc phải đổi sang chạy xe bus.

- Nhà quanh quẩn các trạm Vernon Bld-Jackson Ave, Hunters Point Ave (line tím, tàu 7).

*  Nên linh hoạt chọn nhà có trạm tàu nhanh (express) dù nhà ở xa: Nhiều khi nhìn trên bản đồ thấy nhà ở các khu rất xa (chẳng hạn ở Queens: Flushing cuối đường tàu 7, line màu tím – hay Kew Gardens gần cuối tàu E, line xanh dương – hay Forest Hill cuối đường tàu E-F) nhưng vì tàu express bỏ rất nhiều trạm và chạy nhanh và tin cậy, nên thời gian đi lại có khi cũng ngắn và tiện hơn ở nhà gần 1 chút nếu nhà ở gần chỉ có tàu thường (local), tức là tàu dừng tại nhiều bến hơn.
 
4. Cách tìm nhà

Soạn sẵn 1 cái email giới thiệu bản thân để gửi cho các  nơi đăng tìm nhà  trên craigslist và gửi bạn bè hoặc những nơi khác. Đa số chủ các tin đăng thuê nhà sẽ lọc email, đọc và thấy người nào có vẻ tin cậy về mặt tài chính và tính cách, mới phone và hẹn đến xem nhà. Cũng tựa quá trình tìm và xin việc vậy đó. Nếu bạn thấy đăng cho thuê nhà có cho số phone thì nên gọi trực tiếp, hoặc để lại tin nhắn nếu người ta không bắt máy. Nội dung email tìm nhà nên có các thông tin sau: 
  • Tên, s.v trường nào, mức học (undergrad/grad/post-doc): Cái này rất quan trọng, nhất là đối với sinh viên bậc trên đại học. Nhiều người chỉ muốn ở chung với các bạn sinh viên trên đại học vì họ tập trung học tập, chín chắn hơn và ít vấn đề phức tạp hơn như ở bậc đại học
  • Có khả năng trả tiền nhà và trả đúng ngày (có thể nêu có ít thu nhập/đi làm) nhưng không cần nêu số tiền mình kiếm bao nhiêu ở bước này.
  • Tính tình: ngắn gọn, đại khái là vài điểm tốt về bản thân, như là tôn trọng, trách nhiệm, nhẹ nhàng, gọn gàng và sạch sẽ. Các bạn có thể viết dựa vào các yêu cầu tính cách liệt kê trong các nơi đăng thuê nhà (room/apt posting) để họ thấy là mình phù hợp
  • Chủng tộc: không nên đề cập. Tuy nhiên, nếu họ nói là họ muốn Châu Á hơn, thì mình nói mình là người Việt Nam, hoặc nếu mình thấy họ có đề cập cái người họ đưa nhà lên là dân gốc Á thì cũng nên nói mình cũng là châu Á, vì thường dân châu Á hiểu về văn hóa nhau hơn nên dễ thông cảm.
  • Thường thuê nhà sẽ là 6 tháng/ 1 năm: để chủ nhà thấy an toàn là mình sẽ không ở 1-2 tháng rồi chạy mất. Tìm người thuê nhà, thuê phòng mới đối với họ thật ra cũng mệt y như là mình tìm nhà vậy đó.
  • Liên lạc: Điện thoại, email

Coi nhiều quảng cáo, gửi email cho nhiều nơi cùng lúc (có khi gửi cả chục cái mới có 1 cái trả lời), coi nhiều nhà cùng lúc để có lựa chọn và so sánh.
 
*Lưu ý: Ở NYC không có chuyện đặt nhà trước vài tháng từ Việt Nam. Trừ phi là người quen biết giới thiệu, hoặc có bạn bên New York đi xem nhà rồi đặt cọc giúp, chứ nếu người lạ mà họ đồng ý cho bạn thuê nhà khi bạn còn ở VN rồi kêu bạn chuyển tiền cọc thì khả năng giả mạo rất cao. Thường là tin đưa lên trong ngày hoặc vài ngày là có người đến xem, đồng ý và đặt cọc lấy apt/ room liền rồi. Hồi xưa mình không biết, ngồi ở VN xem trên trang craigslist rồi email, bảo 2 tháng nữa mới sang, chẳng ai thèm trả lời email mình. Thậm chí khi bạn đã sang đây rồi, bạn liên lạc với họ, chưa chắc họ trả lời bạn và cho bạn thuê. Nhu cầu thuê nhà ở đây rất cao, chủ nhà có quyền chọn bạn vào ở, chứ không phải bạn xòe tiền là được vào ở. Nhiều khi bạn sẽ thấy có 2-3 người đến xem bạn cứ như là phỏng vấn việc làm rồi quyết định có cho bạn vào ở hay không.

5. Nhà ở NYC đắt, nhiều nhà xấu, cách âm không tốt, hoặc là ở khu hơi bị tách biệt, hoặc xa trạm tàu. Trung bình mình nghĩ là các bạn phải trả ít nhất $600/tháng/phòng tiền nhà nếu chỉ muốn mất  dưới 45 phút đi học. Chi phí sinh hoạt thêm điện nước, gas có thể không bao gồm trong tiền thuê nhà (mà hiếm có giá này lắm, trừ phi các bạn ở basement, hoặc rất may mắn tìm được nhà (tốt) giá này).

Nếu tìm apartment/studio:
  • Pros: ký contract trực tiếp với chủ nhà, có thể tìm người thuê cùng  mình thích sau đó (nhưng phải chắc chắn là sẽ không gặp rắc rối với chủ nhà). Nếu đã có sẵn 1 nhóm 2-4 người muốn dọn vào ở chung thì sẽ tốt hơn, vì chủ nhà biết thêm người thuê của họ là ai, và các bạn khỏi phải tuyển người chia phòng.
  • Cons: Nhiều khi tiền điện, gas không bao gồm, không có internet, mình phải tự liên hệ (thông thường thì nước và sưởi ấm bao gồm trong tiền thuê nhà). Việc đứng tên liên hệ và trả tiền điện, internet đôi khi đòi hỏi nhiều giấy tờ và mệt mỏi lắm nhé. Ngoài ra, căn hộ thì thường là không có đồ đặc, ngoại trừ có sẵn tủ lạnh, và đôi khi có sẵn microwave.
Nếu tìm một phòng, sử dụng chung không gian phòng khách, bếp, phòng tắm:
  • Thuận lợi: Tìm phòng trong 1 căn hộ thì tiện ở chỗ là dễ tìm phòng có nội thất, khỏi phải mua thêm, dọn vào ở thôi. Nhiều khi có sẵn đồ dùng bếp, mình có thể dùng nếu bạn cùng nhà đồng ý.
  • Gas, điện, nước, internet  thường đã được mở sẵn, có khi được bao gồm trong giá nhà có khi không. Nhưng thường thì nhà có sẵn wi-fi, khỏi lắp.
  • Bất lợi: Cái chán của tìm phòng là mình có thể gặp phải bạn cùng nhà không như ý, có mâu thuẫn, phải dọn đi. Nói chung là nếu các bạn lựa được bạn cùng nhà tốt thì đỡ. Nếu các bạn ở chung người Việt với nhau thì nấu nướng không vấn đề gì. Ở với bạn cùng nhà Mỹ hoặc nước khác thì phải giữ ý hơn, hạn chế cho nước mắm khi nấu ăn vì mùi rất nặng, bọn nó sẽ la làng và chạy mất.
Ngoài ra, việc tìm căn hộ hay phòng còn tùy thuộc vào thời gian các bạn ở New York. Nếu học Ph.D lâu dài, 3-5 năm thì sắm sửa đồ đạc ở cho thoải mái cũng không sao. Ở 5 năm cũng đáng đồng tiền rồi. Nếu học Master có 2 năm như mình, sắm giường đệm và các thứ linh tinh, sau này khi về vứt hoặc bán rẻ nhiều khi tiếc tiền lắm :-)
 
6.  Xem nhà: KHÔNG đi xem nhà sau 9pm: Trừ phi nhà ngay trong khu bạn đang ở, bạn rất rành khu vực này, và bạn đi cùng ai đó, thì đi xem nhà lúc 9pm có thể xem xét được. Mùa hè có thể đi xem nhà lúc 8-8.30 pm vì trời sáng lâu. Mùa đông chỉ nên đi xem nhà trước 7.30 pm. Nếu đang ở chung với 1 nhóm bạn, nên cho bạn bè biết mình đi xem nhà ở địa chỉ nào, hoặc rủ bạn đi cùng. Nếu đến nhà định thuê cho bạn cảm giác lo sợ, KHÔNG NÊN BƯỚC VÀO, vì cảm nhận của bạn nhiều khi rất chính xác. Trong trường hợp này, trở lại đón tàu về. Các bạn nữ chú ý, nếu chủ nhà là nam thì các bạn nên cảnh giác một tí. Thường là không có gì, nhưng nếu họ có diện mạo làm bạn thấy đáng nghi thì bạn đừng theo người ta vào xem nhà, hoặc vào xem nhà nhưng để ý lối đi và các chốt khóa cửa để có gì còn chạy cho lẹ.
 
7. Nên đặt cọc 1 - 2 ngày sau khi xem nhà nếu thấy thích/hài lòng. Nếu thấy thích nhà đã xem, nên đi loanh quanh cái khu vực một lần nữa xem có thật sự ổn và thích không. Nhiều khi chỉ cần bạn cảm nhận thấy khu đó an toàn là ổn rồi. Về nhà, suy nghĩ lại, sau đó nhắn tin/gọi điện hoặc qua ngày hôm sau nhắn tin/gọi điện cho chủ nhà đó, bảo là mình thích và muốn đến xem lại lần nữa, và sẽ lấy nhà. Lần đến xem thứ 2, bạn có thể chọn ngày bạn nhận chìa khóa vào nhà và đặt cọc (hoặc 1 phần hoặc toàn bộ tùy yêu cầu và thỏa thuận với chủ nhà) Phải có hóa đơn của chủ nhà khi đặt cọc, có tên chủ nhà, tên mình, số tiền đặt cọc, lý do đặt cọc, và chữ ký của chủ nhà. Chỉ cần giấy viết tay là đủ. Đừng quá chần chừ và đa nghi không cần thiết việc đặt cọc nếu mình cảm thấy nhà và chủ nhà đáng tin, vì chần chừ sẽ có người khác lấy mất. Nếu thấy nhà tốt mà hoài nghi về chủ nhà thì hãy từ từ.
 
8. Các cách nhận biết và đề phòng giả mạo:
  • Giá rẻ bất ngờ
  • Chủ nhà trả lời email tìm nhà của bạn với nội dung email bảo là đi công tác, bỏ nhà trống cho mình take care. Email đầy mùi tôn giáo (Buddhism/Jesus/Allah) và chủ nhà bảo tin tưởng mình và yêu cầu mình cung cấp thong tin, gửi tiền, rồi họ sẽ gửi chìa khóa cho mình qua mail. Trong trường hợp này, KHÔNG cung cấp thông tin cá nhân và địa chỉ nhà ở hiện tại, cũng như thông tin tài khoản. Đây là một loại giả mạo khá phổ biến, chỉ muốn ăn cắp tài khoản ngân hàng của bạn. Không trả lời email.
  • Tin vào cảm nhận bản thân: Nhiều khi mình phải dùng cảm nhận riêng để xem là chủ nhà có  khác lạ trong cách nói chuyện với mình không. Ấn tượng ban đầu nhiều khi rất quan trọng, sẽ giúp mình quyết định là nhà đó và người đó có tin cậy không. Nếu một người quá sởi lởi và nhanh chóng đồng ý cho mình vào ở ngay thì nên đề phòng, vì như đã nói ở trên, người ta tìm người thuê thì cũng theo hướng chọn lọc vì không ai muốn có  người thuê rắc rối cả. Vì vậy, ai mà dễ dãi mời mọc cho bạn vào, rồi bảo là bạn lấy ngay không mất cơ hội thì phải cẩn thận!
Nói tóm lại là cứ nghiên cứu khu vực, bản đồ tàu điện ngầm, coi quảng cáo cho quen giá cả từng khu khi còn ở Việt Nam. Sang bên đây coi quảng cáo, liên hệ đi coi thực tế mới biết được. Vì tùy từng người mà mỗi người sẽ có cảm nhận khác nhau về khu vực, nhà mà mình coi. Nói chung các bạn là nam thì không cần kén chọn nhà ở lắm. Mình là nữ nên cũng ngại nhiều thứ, vì vậy tìm nhà có phần đắt và mất thời gian hơn.

Kết luận là nhà cửa ở NYC là 1 câu chuyện dài. Mình ở 18 tháng mà chuyển 3 chỗ rồi. Chỗ hiện tại mình cực kỳ hài lòng. Các bạn cứ từ từ, bình tĩnh đọc và tìm hiểu trước khi ở Việt Nam, có gì sang đây sớm tìm nhà, và nên sang trước 1 tháng. Tháng 8 - 9 thì là cao điểm tìm nhà vì s.v nhập học, nhu cầu tìm nhà cao hơn bình thường. Nên tìm nhà và ổn định ngay từ đầu. Nếu đã đến tầm nhập học mà chưa tìm được cái cực ưng ý thì phải tìm tạm một chỗ, rồi đến winter break tìm nhà và dọn ra sau. Khi các bạn nhập học tháng 9, các bạn sẽ tối mặt với bài vở, không có thời gian tìm nhà, mà không ổn định thì rất khó tập trung học. An cư thì mới lạc nghiệp. Theo mình là như vậy.
 
Hi vọng bài viết sẽ giúp bạn trong việc tìm nhà. Chúc các bạn may mắn.
 
Tác giả: Vũ Nguyễn Minh Phương
American Studies
Class of 2013, M.A., NYU